Hội nghị Tim mạch quốc tế Thăng Long lần thứ II với chủ đề “Nơi ý tưởng thành hiện thực” đã diễn ra tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana ở thành phố Đà Nẵng. Quy tụ hơn 1.200 đại biểu trong và ngoài nước, đây được coi là diễn đàn về tim mạch lớn nhất từ trước đến nay.
Hội nghị là một trong những sự kiện quan trọng của ngành Tim mạch Việt Nam trong năm 2018, do Hội Tim mạch Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Hội Tim mạch Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội nghị quy tụ hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành trong và ngooài nước đến từ Hoa Kỳ, Pháp, CHLB Đức, Hy Lạp, Singapore, Australia, Ấn độ…
Trong bối cảnh ngành tim mạch trong nước và quốc tế phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng thành công vào thực tế để nhiều bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch tìm được tia hy vọng cho sự sống, thì việc tổ chức Hội nghị Tim mạch là dịp để những người trong ngành cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quý báu và cập nhật về kiến thức chuyên môn trong giai đoạn mới.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh mãn tính không lây. Bệnh tim mạch ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cộng đồng và tạo nên gánh nặng cho xã hội. Tại Việt Nam, những năm gần đây, tỉ lệ người mắc các bệnh tim mạch và liên quan đến tim mạch đang ở con số đáng báo động, đặt ra những nhiệm vụ và thách thức mới trong lĩnh vực tim mạch.
Hội nghị lần này đề cập đến tất cả các khía cạnh trong lĩnh vực tim mạch như: Nội khoa tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tim, gây mê hồi sức và tuần hoàn ngoài cơ thể; tim mạch can thiệp…
Chủ đề các phiên họp rất đa dạng và đi chuyên sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong khoa học tim mạch, như: “Tiếp cận hội chứng vành cấp”, “Cập nhật bệnh lý bệnh động mạch vành”, “Các chiến lược can thiệp động mạch vành qua da” “Cải thiện hậu dư tim mạch”, “Phẫu thuật cho bệnh lí mạch vành và phẫu thuật ít xâm”, “Kiểm soát tốt đái tháo đường để bảo vệ bệnh lý tim mạch”…
Song song với hội nghị, một triển lãm khoa học chuyên ngành Tim mạch học và các lĩnh vực có liên quan cũng đã diễn ra hôm nay.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phạm Gia Khải, Chuyên gia cao cấp ngành Tim mạch cho biết: “Tại Việt Nam, ngành tim mạch đã thay đổi rất nhiều. Tim mạch can thiệp đã có vị trí xứng đáng với hàng chục ngàn người đựơc cứu sống, cùng với tim mạch can thiệp, tim mạch với lâm sàng, các bệnh học có liên quan như suy vành, đái tháo đường và các bệnh do rối loạn chuyển hóa đã được nghiên cứu điều trị và quan trọng hơn, tất cả các bệnh lý đó đều được hiểu như một tổng thể, không có ranh giới phân biệt rõ ràng về mặt chẩn đoán và điều trị, tuy về kỹ thuật, mỗi bệnh lý có một đặc thù về chẩn đoán và điều trị.”
Trong nhiều năm qua, ngành tim mạch Việt Nam đã không ngừng được phát triển. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành cả trong nước và quốc tế đã không ngừng nỗ lực, ngày đêm miệt mài nghiên cứu và cống hiến cho sự phát triển của ngành tim mạch Việt Nam.
Hội nghị lần này cũng vinh danh GS.TS.BS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và GS.TS.BS. John Douglas (Hoa Kỳ). Đây là những người đầu tiên đã thực hiện thành công các ca tim mạch can thiệp của Việt Nam, đánh dấu sự phát triển của tim mạch can thiệp.
Được biết từ hơn 20 năm nay, hai giáo sư đầu ngành đã luôn đồng hành với đội ngũ y bác sĩ tim mạch Việt Nam và có nhiều đóng góp cho từng bước phát triển của ngành.