Ngày 06/03/2024 – 07/03/2024, Cung Hội Nghị Quốc Tế Ariyana Đà Nẵng rất vinh dự đã chính thức tổ chức Hội Nghị Lúa Gạo Toàn Cầu – SS Rice News Convention 2024
Quang cảnh Hội Nghị SS Rice News Convention 2024
Trong hai ngày 06/03 và 07/03 vừa qua, ở bối cảnh ngành lúa gạo toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ và không ngừng phát triển, Cung Hội Nghị Quốc Tế Ariyana Đà Nẵng đã được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội Nghị Lúa Gạo Toàn Cầu chủ trì bởi SS Rice News – nền tảng thông tin hàng đầu chuyên cung cấp tin tức, phân tích và báo cáo liên qua đến thị trường lúa gạo. Sự kiện đã hội tụ hơn 400 người tham dự từ các chuyên gia, nhà xuất khẩu, nhập khẩu và các bên liên quan đến hoạch định chính sách từ 30 quốc gia và lãnh thổ đến để thảo luận về các vấn đề hiện tại, xu hướng thị trường và cơ hội trong tương lai.
Ngày đầu tiên của Hội Nghị, các bên đã tập trung vào tình hình thị trường gạo của Việt Nam hiện tại, bao gồm cả cơ hội và thách thức. Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Phillippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa theo đó cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề cập đến tình hình thương mại gạo toàn cầu và vị trí của Việt Nam: “Việt Nam hiện là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Nhờ vào các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, Việt Nam đã ghi nhận được những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo, góp phần mang lại giá trị cao cho người nông dân và nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.”
Bên cạnh đó, tại một số thời điểm, do các rào cản kỹ thuật mới đa phần đều mang tính bất ngờ, các thương nhân Việt Nam hầu như phải bị động trước sự điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu đột ngột của các quốc gia. Đây là vấn đề thực tiễn và cấp thiết cần có cơ chế giải quyết hài hòa mang tính bền vững đã được thảo luận tại sự kiện.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại Hội Nghị
Tâm điểm của hội nghị vào ngày 07/03 là các cuộc thảo luận chuyên sâu về thị trường gạo thế giới, bao gồm các nhân tố ảnh hưởng: thị trường vận tải biển, ảnh hưởng của thời tiết, các biến động địa chính trị, cũng như các chính sách và phương án cung cấp gạo toàn cầu từ khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan và Campuchia) và Pakistan, trong bối cảnh Ấn Độ áp dụng các hạn chế xuất khẩu. Xu hướng sản xuất lúa gạo bền vững cùng với những tiềm năng và thách thức của việc giảm dấu chân carbon của ngành sản xuất lúa gạo lên môi trường cũng được đề cập. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” và nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng thế giới cũng như các đại biểu tham dự tại Hội Nghị.
Các gian hàng tham gia trưng bày tại sự kiện
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị còn có khu vực triển lãm để trưng bày các sản phẩm, dịch vụ thuộc chuỗi thương mại gạo đến từ các quốc gia sản xuất lúa gạo cùng các bữa tiệc kết nối xen kẽ giữa các buổi thảo luận, mở ra không gian giao lưu, chia sẻ và tạo dựng cơ hội phát triển và hợp tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp. Ông V. Subramanian và bà Phan Mai Hương – đồng sáng lập của SS Rice News, đơn vị chủ trì Hội Nghị, chia sẻ sau sự kiện rằng: “Mặc dù Hội Nghị chỉ diễn ra trong hai ngày ngắn ngủi nhưng đã cung cấp những cập nhật và phân tích sâu sắc nhất cũng như kết nối thành công các nhà xuất/nhập khẩu gạo, các bên liên quan đến toàn bộ chuỗi cung ứng thị trường lúa gạo để tìm ra tiếng nói chung cũng như đưa ra các giải pháp và cùng nhau tận dụng cơ hội tốt nhất ở bối cảnh hiện tại. Tất cả các đại biểu và các bên liên quan trong ngành đều rất hài lòng khi nhận được những giá trị khác nhau khi tham gia Hội Nghị, khiến chúng tôi cảm thấy rất tự hào và ý nghĩa khi tổ chức sự kiện này”.
Các đại biểu tham dự Hội Nghị cùng kết nối và chia sẻ thông tin
Sự kiện SS Rice News Convention 2024 không chỉ là một cơ hội để trao đổi thông tin và kết nối các chuyên gia trong ngành gạo, mà còn là một lời khẳng định về vị thế và sự phát triển của Đà Nẵng như một trung tâm hội nghị quốc tế. “Sự thành công của sự kiện này một lần nữa khẳng định Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho các hội nghị và sự kiện quốc tế, đồng thời cũng là minh chứng cho năng lực tổ chức sự kiện hàng đầu của Cung Hội Nghị Quốc Tế Ariyana Đà Nẵng”, ông Andre Pierre Gentzsch – Tổng giám đốc vận hành của Quần thể du lịch Quốc tế Furama – Ariyana Đà Nẵng tự hào chia sẻ sau sự kiện.Bà Phan Mai Hương, khi được hỏi về lý do lựa chọn Cung Hội Nghị Ariyana Quốc Tế Đà Nẵng cũng đã xác nhận rằng quần thể du lịch Quốc tế Furama – Ariyana Đà Nẵng với Cung Hội Nghị Quốc Tế Ariyana từ lâu đã là biểu tượng của sự chuyên nghiệp và hiện đại với cơ sở vật chất tiêu chuẩn quốc tế và đội ngũ phục vụ hàng đầu Việt Nam, làm nên điểm đến lý tưởng cho sự kiện SS Rice News Convention 2024. “Chúng tôi rất hài lòng vì đã lựa chọn Cung Hội Nghị Quốc Tế Ariyana Đà Nẵng làm nơi tổ chức Hội Nghị, và mong muốn sẽ quay lại nơi đây cho những Hội Nghị tiếp theo của SS Rice News”, bà Hương nhấn mạnh.
Hội Nghị Lúa Gạo Toàn Cầu 2024 không chỉ là một cơ hội để trao đổi thông tin và kết nối các chuyên gia trong ngành gạo, mà còn là một lời khẳng định về vị thế và sự phát triển của Đà Nẵng như một trung tâm hội nghị quốc tế. Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Ariyana Đà Nẵng mong đợi sẽ tiếp tục cung cấp một không gian lý tưởng cho việc trao đổi thông tin, cập nhật xu hướng cũng như thảo luận sâu rộng và mở ra cơ hội gặp gỡ, xây dựng và phát triển mối quan hệ lâu dài ở các lĩnh vực khác nhau.
———-