Sáng 10/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Công bố Đề án Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng. Khoảng 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà cung cấp thiết bị, đối tác hợp tác, đối tác nước ngoài tham dự.
Tại Hội thảo, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ về các kế hoạch xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh (Smart City). Theo đó, từ tháng 1/2018, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh. Tháng 11/2018, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6439 về Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025.
“10 năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về chỉ số chỉ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) Việt Nam – Vietnam ICT Index. Đặc biệt, TP Đà Nẵng đạt điểm tối đa về ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước”.
Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, xác định 6 trụ cột trên cơ sở mô hình khung kiến trúc ứng dụng CNTT&TT ở 17 lĩnh vực cần triển khai bao gồm: quản trị thông minh; kinh tế thông minh, giao thông thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh và công dân thông minh.
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng các thành tựu CNTT&TT, của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 vào tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, góp phần đạt được mục tiêu.
“Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại, năng động, sáng tạo, thông minh, phát triển theo hướng kinh tế tri thức; là trung tâm khởi nghiệp – đổi mới – sáng tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, là trung tâm kinh tế đóng vai trò động lực tăng trưởng và phát triển của vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Dự Hội thảo và có những ý kiến gợi mở để Đà Nẵng xây dựng Smart City, bà Phạm Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc triển khai đề án cần đảm bảo tính liên thông, liên vùng trong việc triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh đòi hỏi phải có sự kết nối giữa các sở ngành, quận huyện; sự chia sẻ dữ liệu của các Bộ, ngành Trung ương; sự đồng bộ từ lãnh đạo cao cấp đến chuyên viên để hệ thống thống nhất về dữ liệu, không tắc về quy trình.
“Chúng tôi mong muốn thành phố Đà Nẵng sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu không gian đô thị, phục vụ công tác tham mưu hoạch định các định hướng phát triển thành phố và quản lý quy hoạch đô thị.
Có sự điều phối tham gia của các ngành trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, vừa phát huy được tính chủ động sáng tạo, sự cần thiết đối với việc thành công của đề án. Đảm bảo không có sự chồng chéo, lặp lại, thực hiện độc lập theo từng ngành gây nên lãng phí nguồn lực đầu tư”.
Việc triển khai đề án Xây dựng thành phố thông minh là một nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Nhân sự kiện này, đã diễn ra triển lãm, giới thiệu các giải pháp, sản phẩm thông minh của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị uy tín trong nước, quốc tế và nhận được sự quan tâm của các đại biểu với các màn trình diễn, giới thiệu công nghệ ấn tượng.
Hội tin học Việt Nam cũng tiến hành trao giấy chứng nhận 10 năm dẫn đầu chỉ số Vietnam ICT Index (2009-2018) cho UBND TP Đà Nẵng. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác với các đối tác trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng.
3 giai đoạn xây dựng thành phố thông minh Đà Nẵng bao gồm: Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2020 thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Tổng kinh phí thực hiện 939 tỷ đồng, trong đó, thu hút đầu tư từ hình thức hợp tác công-tư (PPP) chiếm 550 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 46 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng với tổng kinh phí 1.191 tỷ đồng. Trong đó, vốn PPP chiếm 700 tỷ đồng, vốn vay ODA chiếm 150 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 36 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng CNTT trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh 3 giai đoạn chính của dự án, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết thêm giai đoạn 2026-2030 thành phố sẽ đầu tư tiếp tục các dự án nhằm phổ biến các ứng dụng thông minh đến cộng đồng, doanh nghiệp, chính thức trở thành thành phố thông minh.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông): “Nếu Đà Nẵng xây dựng thành công thành phố thông minh, mỗi năm sẽ tiết kiệm 1.000 tỉ đồng các chi phí cũng như tiết kiệm 10-20% các nguồn lực”.